THỰC TRẠNG ÁP LỰC NUÔI CON TỰ KỶ CỦA CHA MẸ TẠI QUẬN HOÀNG MAI – HÀ NỘI
Tác giả: PHẠM THỊ HẰNG
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Tự kỷ (autism) là một vấn đề toàn cầu, gây ra thiệt hại lớn về kinh tế cho xã hội, hiện đang có xu hướng gia tăng. Việc chăm sóc trẻ tự kỷ ở các bậc cha mẹ có con tự kỷ cũng gặp nhiều áp lực. Họ gặp nhiều khó khăn về tài chính, thời gian chăm sóc, họ cần phải tự trang bị kỹ năng dạy trẻ và phải đối diện với sự kỳ thị của cộng đồng. Việc tiếp cận với các chương trình hỗ trợ xã hội cũng ảnh hưởng rất lớn đến áp lực nuôi con tự kỷ của các bậc cha mẹ nếu không được quan tâm, hỗ trợ. Các mối quan hệ trong gia đình, xã hội cũng ảnh hưởng rất lớn đến cha mẹ nuôi con tự kỷ khi mà trẻ và cha mẹ trẻ bị kỳ thị.
Vì vậy, việc nghiên cứu thực trạng áp lực cha mẹ nuôi con tự kỷ hiện nay là một vấn đề quan trọng cần được quan tâm.
Mục đích nghiên cứu: Tìm hiểu thực trạng áp lực nuôi con tự kỷ ở cha mẹ từ đó đưa ra những giải pháp chiến lược hỗ trợ các bậc cha mẹ tốt hơn.
Phương pháp: Sử dụng điều tra bằng phiếu hỏi đối với cha mẹ có con tự kỷ để tìm ra được áp lực và cách ứng phó của cha mẹ có con tự kỷ vừa đánh giá độ tin cậy trong quá trình điều tra, nghiên cứu và mức độ hỗ trợ xã hội, các chiến lược ứng phó phù hợp và mức độ stress hiện tại có tương quan với mức độ áp lực nuôi con tự kỷ của cha mẹ. Đồng thời sử dụng phương pháp phỏng vấn sâu nhằm thu thập thông tin hỗ trợ cho phương pháp nghiên cứu chính của đề tài, khai thác sâu hơn một số vấn đề liên quan đến áp lực nuôi con của cha mẹ.
Kết quả: Trạng thái stress của cha mẹ nuôi con tự kỷ: 89 % cha mẹ rơi vào trạng thái stress, chỉ chiếm 11 % cha mẹ phớt lờ tình trạng bệnh của con. Trong đó số cha mẹ có đủ tự tin vượt qua áp lực chiếm 56%, số cha mẹ không đủ tự tin vượt qua áp lực chiếm 44%; mức độ stress của cha mẹ gặp nhiều hơn lo âu khi nuôi dạy con tự kỷ: Lo âu 7%, stress 21%. Về biện pháp giảm áp lực cho cha mẹ có con tự kỷ gồm 7 biện pháp: chấp nhận tình trạng bệnh của con chiếm 55%; gia nhập hội cha mẹ có con tự kỷ thường xuyên chiếm 18%, thỉnh thoảng 44%, không bao giờ chiếm 38%; liên hệ nhóm tổ chức xã hội thỉnh thoảng chiếm 29%, thương xuyên 19%, không bao giờ chiếm 52%; nói với người thân trong gia đình biết 77% nên và 23% không nên; điều trị sớm cho trẻ: 66% cho là cần thiết; sử dụng thuốc: thỉnh thoảng chiếm 22%, thường xuyên chiếm 71%.
Từ khóa: Trẻ tự kỷ, áp lực, stress, hỗ trợ, cha mẹ.