NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG CỦA Ổ TỤ DỊCH TRONG VIÊM TỤY CẤP
Tác giả: ĐẶNG HỒNG NHÂN, DƯƠNG CÔNG THÀNH, TRẦN NGỌC ÁNH
TÓM TẮT
Ổ tụ dịch là biến chứng thường gặp nhất trong viêm tụy cấp với tỷ lệ 30% – 50%[1].
Mục tiêu: Khảo sát đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ổ tụ dịch trong viêm tụy cấp và một số yếu tố liên quan đến hình thành ổ tụ dịch.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu hồi cứu, tiến cứu mô tả cắt ngang trên 117 bệnh nhân viêm tụy cấp có ổ tụ dịch theo phân loại Atlanta 2012 [2] tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội từ tháng 8 năm 2018 đến tháng 6 năm 2021.
Kết quả: Tuổi trung bình của nhóm nghiên cứu là 42,0 ± 10,6. Nam/nữ 8/1. Rượu là nguyên nhân gặp chủ yếu 60%, p < 0,01. Đau bụng gặp ở 100% người bệnh, 83,5% có VAS ≥ 4. VAS tại thời điểm nhập viện ở nhóm grade E cao hơn có ý nghĩa nhóm grade D (5,2 ± 1,3 so với 4,6 ± 1,2, p < 0,01). Chướng bụng, sốt, suy tạng ở nhóm grade E cao hơn có ý nghĩa nhóm grade D, tỷ lệ lần lượt là 91,1% so với 75,9%; 48,2% so với 29,5%; 16,1% so với 4,9% (p < 0,05). Calci máu ở nhóm grade E thấp hơn có ý nghĩa nhóm grade D (2,0 ± 0,3 so với 2,2 ± 0,1 mmol/l, p < 0,01). LDH máu ở nhóm grade E cao hơn có ý nghĩa nhóm grade D (281,3 ± 255,8 so với 186,6 ± 96,7 IU/L, p < 0,05). Điểm SIRS ≥ 2 và điểm HAPS > 0 xuất hiện với tỷ lệ cao (73,3% và 84,5%). Điểm SIRS ≥ 2 xuất hiện ở nhóm grade E cao hơn có ý nghĩa nhóm grade D (89,1% so với 59,0%, p < 0,01).
Kết luận: Rượu là nguyên nhân gặp chủ yếu của ổ tụ dịch. Giảm calci máu và SIRS ≥ 2 có ý nghĩa dự đoán sự xuất hiện nhiều ổ tụ dịch trong nghiên cứu của chúng tôi.
Từ khóa: Viêm tụy cấp, ổ tụ dịch.