BÁO CÁO TRƯỜNG HỢP LÂM SÀNG DỊ VẬT HỐC MẮT TRÊN BỆNH NHÂN CHẤN THƯƠNG XUYÊN THỦNG NHÃN CẦU

Tác giả: NGUYỄN THANH NAM, HỒ THỊ THU GIANG, NGUYỄN MINH QUANG

TÓM TẮT

Mục tiêu: Chẩn đoán và xử trí dị vật hốc mắt phức tạp trên bệnh nhân chấn thương xuyên thủng nhãn cầu. Chúng tôi báo cáo ca lâm sàng khó và không thường gặp về dị vật kim loại lớn, nằm trong xoang sàng sau, cạnh ống thị giác trong hốc mắt bên trái trên một bệnh nhân bị chấn thương xuyên thủng nhãn cầu do ná bắn

Phương pháp nghiên cứu: Báo cáo ca lâm sàng.

Kết quả: Bệnh nhân nữ 22 tuổi, thị lực mắt trái sáng tối âm tính, được chẩn đoán vỡ nhãn cầu bên trái do ná bắn. Bệnh nhân được khâu bảo tồn nhãn cầu 2 lần tại bệnh viện Mắt TPHCM. Sau khi khâu bảo tồn, kết quả X quang hốc mắt và CT Scan phát hiện dị vật hốc mắt kích thước lớn, nằm trong xoang sàng sau, cạnh ống thị giác. Bệnh nhân bắt đầu được điều trị với kháng sinh phổ rộng và corticosteroid đường tĩnh mạch. Phẫu thuật thám sát nhãn cầu phát hiện lỗ rách lớn ở cực sau nhãn cầu. Vì mắt trái thị lực sáng tối âm tính kèm với lỗ rách lớn ở cực sau không thể khâu bảo tồn, bệnh nhân được cắt bỏ nhãn cầu kèm lấy dị vật hốc mắt. Sau 15 ngày nhập viện điều trị, hậu phẫu không có dấu hiệu nhiễm trùng, không phát hiện dị vật còn sót, bệnh nhân đã được xuất viện và tái khám theo dõi.

Kết luận: Hầu hết các chấn thương xuyên nhãn cầu đều để lại dị vật, do đó thái độ nghi ngờ là điều cần thiết trong chẩn đoán phát hiện. Tất cả bệnh nhân có dị vật hốc mắt đều cần tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván và điều trị với kháng sinh phổ rộng. Trường hợp dị vật hữu cơ, điều trị kháng nấm theo kinh nghiệm được chấp thuận. Việc khai thác bệnh sử, cơ chế chấn thương và kết hợp các phương tiện chẩn đoán hình ảnh trong đó CT Scan hốc mắt là đầu tay giúp phát hiện, định vị, hỗ trợ trong việc điều trị lấy dị vật.

Từ khóa: Dị vật hốc mắt, chấn thương xuyên nhãn cầu

Đầu trang In trang
Tải về