THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC THỰC HIỆN DA KỀ DA VÀ CHO TRẺ BÚ SỚM TRÊN SẢN PHỤ ĐẺ THƯỜNG CỦA HỘ SINH TẠI BỆNH VIỆN PHỤ SẢN HÀ NỘI NĂM 2020

Tác giả: LÊ THỊ KIM ÁNH, ĐỖ THỊ THỦY

TÓM TẮT

Nghiên cứu này được tiến hành nhằm mục tiêu (1) mô tả thực trạng thực hiện da kề da và cho trẻ bú sớm và (2) phân tích một số yếu tố ảnh hưởng tới việc thực hiện da kề da và cho trẻ bú sớm trong quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trên sản phụ đẻ thường của hộ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội năm 2020. Nghiên cứu thực hiện tại Khoa Đẻ A2 và Khoa Đẻ tự nguyện D3 thông qua quan sát 200 ca đẻ thường từ tuần tuổi thai 36 tuần trở đi, phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm với lãnh đạo bệnh viện, khoa, hộ sinh và sản phụ. Kết quả chỉ ra tỷ lệ số lượt quan sát đạt về thực hành da kề da và cho trẻ bú sớm trên sản phụ đẻ thường trong nghiên cứu là 31,5%. Một số yếu tố ảnh hưởng bao gồm hộ sinh nhận thức chưa đúng đắn về việc thực hiện đầy đủ và chuẩn xác quy trình, vấn đề quá tải, sự không hợp tác do thói quen của sản phụ và gia đình. Nghiên cứu đã đưa ra khuyến nghị về việc điều động nhân lực phù hợp cho khối đẻ vào thời điểm có nhiều ca, đào tạo liên tục, tăng cường kiểm tra, giám sát hỗ trợ hộ sinh nhà đẻ trong thực hiện quy trình chuyên môn.

Từ khóa: Da kề da, bú sớm sau sinh, hộ sinh, thực hiện quy trình.

Đầu trang In trang
Tải về