ĐÁNH GIÁ TÁC DỤNG CỦA GÂY TÊ TỦY SỐNG LIỀU THẤP BUPIVACAIN 4MG KẾT HỢP FENTANYL 0,02 MG TRONG PHẪU THUẬT BỆNH TRĨ TẠI BỆNH VIỆN Y HỌC CỔ TRUYỀN TRUNG ƯƠNG
Tác giả: MAI ĐỨC THĂNG, NGUYỄN HỮU TÚ, LÊ MẠNH CƯỜNG, HOÀNG THỊ HỒNG XUYẾN
TÓM TẮT
Những năm gần đây gây tê tuỷ sống để phẫu thuật bụng dưới, chi dưới, tiết niệu, sản khoa, bệnh trĩ, các bệnh lý hậu môn trực tràng… có nhiều ưu điểm được các nhà gây mê trong nước cũng như trên thế giới áp dụng rộng rãi. Trong nghiên cứu này chúng tôi sử dụng thiết kế nghiên cứu tiến cứu, thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có so sánh 120 bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật khu vực vùng hậu môn bao gồm: phẫu thuật cắt trĩ, rò hậu môn, áp xe hậu môn, cắt polyp trực tràng thấp tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương từ 8/2019-6/2020 được chia làm 2 nhóm: Nhóm 1: 60 bệnh nhân có sử dụng 4mg Bupivacain + 0,02mg fentanyl. Nhóm 2: 60 bệnh nhân có sử dụng 5mg Bupivacain + 0,02mg fentanyl. Kết quả nghiên cứu cho thấy 100% bệnh nhân có mức giảm đau tốt trong phẫu thuật với gây tê tủy sống bằng Bupivacain 4mg kết hợp Fentanyl 0,02mg. Không có trường hợp nào phải chuyển phương pháp vô cảm hoặc phải thêm thuốc giảm đau. Thời gian giảm đau sau phẫu thuật tương với gây tê tủy sống Bupivacain 5mg kết hợp với Fentanyl 0,02mg. (nhóm 1: 5,59 ± 1,0 giờ, nhóm 2: 5,66 ± 0,73 giờ, p > 0,05). Thời gian trung bình xuất hiện ức chế cảm giác đau và cảm giác lạnh của nhóm 1 đều chậm hơn nhóm 2 (có ý nghĩa thống kê với p < 0,01). Thời gian vô cảm trung bình ở mức T12 của hai loại cảm giác đau và lạnh ở hai nhóm như nhau (nhóm 1: 87,62 ± 6,35 phút, nhóm 2: 88,45 ± 7,62 phút với p> 0,05). Tỷ lệ các tác dụng không mong muốn chỉ gặp là (ngứa, run) chung trong và sau phẫu thuật lần lượt là 3,3% ở nhóm 1 và 3,3% ở nhóm 2, khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05. Không gặp các biến chứng nặng như dị ứng thuốc tê, đau đầu, đau lưng, buồn nôn sau gây tê … Không có trường hợp nào đau hoặc phải chuyển phương pháp vô cảm trong phẫu thuật ở cả 2 nhóm.
Từ khóa: Gây tê tủy sống, Bupivacain, fentanyl, trĩ, hậu môn