NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG THANG ĐIỂM WEXNER VÀ CỘNG HƯỞNG TỪ TỐNG PHÂN Ở BỆNH NHÂN TÁO BÓN CHỨC NĂNG
Tác giả: DƯƠNG THỊ MAI CHI, MAI THỊ THU THẢO, TRẦN NGỌC ÁNH
TÓM TẮT
Mục tiêu: Đánh giá một số đặc điểm lâm sàng, sự thay đổi thang điểm Wexner và cộng hưởng từ tống phân ở bệnh nhân táo bón chức năng.
Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 42 bệnh nhân chẩn đoán táo bón chức năng theo tiêu chuẩn ROME IV. Bệnh nhân được chụp cộng hưởng tống phân và đánh giá theo thang điểm Wexner từ tháng 1/2020 đến tháng 6/2021 tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Kết quả: Thời gian mắc táo bón trung bình là 6,1±5,9 năm. Cảm giác khó/ đau khi đại tiện và kéo dài thời gian đại tiện là triệu chứng thường gặp. Giảm tần suất đại tiện chỉ chiếm 57,1%. Cộng hưởng từ tống phân phát hiện 24/42 bệnh nhân có sa trực tràng hình túi; 16/42 bệnh nhân có co thắt nghịch lý cơ mu trực tràng- anismus; 15/42 bệnh nhân có lồng trực tràng và 20/42 bệnh nhân kèm sa tử cung, bàng quang. Đại tiện không hết phân và cần hỗ trợ khi đại tiện thường gặp ở nhóm sa trực tràng hình túi. Nhóm sa trực tràng hình túi và lồng trực tràng có thời gian táo bón kéo dài hơn. Giảm tần suất đại tiện thường gặp ở nhóm có anismus. Điểm Wexner trung bình là 13,3±4,0. Điểm Wexner trung bình của nhóm sa trực tràng hình túi là cao nhất 14,4±4,0.
Kết luận: Thang điểm Wexner là thang điểm đơn giản, dễ áp dụng trên lâm sàng, giúp đánh giá được các nhóm nhỏ của táo bón chức năng. Cộng hưởng từ tống phân là thăm dò hữu ích giúp đánh giá bất thường cấu trúc và chức năng ở bệnh nhân táo bón chức năng.
Từ khóa: Táo bón chức năng, tiêu chuẩn ROME IV, thang điểm Wexner, cộng hưởng từ tống phân, sa trực tràng hình túi, lồng trực tràng, Anismus.